Bối cảnh và động lực Thuyền nhân Việt Nam

Cuối tháng 4 năm 1975, thất bại của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã trở nên rõ ràng. Do sợ nhiều người Mỹ sẽ bị thương vong bởi chiến sự đã tới gần Sài Gòn, các cơ quan Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều đợt rời khỏi Việt Nam cho các nhân viên, gia đình nhân viên các sứ quán và công ty nước ngoài. Bắt đầu từ ngày 29 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford đã chính thức ra lệnh khởi động chương trình "Frequent Wind" để di tản quân nhân, nhân viên dân sự Hoa Kỳ và một số người Việt đã từng cộng tác hay có liên hệ với chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam Cộng hòa để rời khỏi Việt Nam. Cùng thời điểm này, nhiều người Việt ở miền Nam từng cộng tác với Hoa Kỳ cũng đã quyết định di tản theo chương trình trên nhưng có thể bằng phương tiện riêng, họ di tản do sợ cảnh "tắm máu" và trả thù của đối phương (viễn cảnh này vốn được Mỹ tuyên truyền rất nhiều trong chiến tranh và có nhiều người Việt tin theo). Chương trình di tản "Frequent Wind" trên nguyên tắc chỉ kéo dài từ 3 giờ 30 chiều ngày 29 tháng 4 đến đúng 21 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975 - khi người lính Mỹ cuối cùng được trực thăng bốc khỏi Sài Gòn và trụ sở của Sở Tùy viên Quốc phòng (Defence Attachés Offfice, DAO) của Hoa Kỳ bị Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cho phá nổ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, có rất nhiều người từ Campuchia, Lào - nhưng đông nhất là từ Việt Nam - đã tìm cách vượt biên bằng thuyền sang các nước khác. Tại Việt Nam, cuộc cải tạo công thương nghiệp và hợp tác hóa nông nghiệp, hàng trăm ngàn quân nhân chế độ Sài Gòn đi học tập cải tạo, chính sách đề phòng và cách ly của Việt Nam đối với Hoa kiều do căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, các hoạt động phá hoại của FULRO... đã gây ra nhiều xáo trộn. Tại Campuchia, chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã giết hại hàng trăm ngàn Việt kiều sống tại đây và cho quân tấn công vào Việt Nam, ở phía Bắc quân Trung Quốc cũng tấn công vào các tỉnh biên giới, chiến tranh nổ ra khiến nhiều người Việt và Hoa kiều tìm cách vượt biên để tránh chiến tranh. Theo thống kê thì 3 năm 1978-1980 (thời kỳ diễn ra chiến tranh biên giới Tây Namchiến tranh biên giới phía Bắc là những năm có số người vượt biên nhiều nhất.[13]

Số liệu thuyền nhân Việt Nam
cập bến và ghi danh
theo Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc
NămSố lượng
1975[13]378
1976[13]5.247
1977[13]15.690
1978[14]>62.000
1979[15]211.518
1980[16]75.823
Một em bé tại một khu trại ở Malaysia

Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, dữ liệu thu thập được từ các cuộc phỏng vấn thuyền nhân và các nguồn khác, tác giả Nguyễn Văn Canh cho rằng một số nguyên nhân sau đây có thể là nguyên nhân khiến chính quyền Việt Nam chấp nhận tình trạng vượt biên ồ ạt, bao gồm:[17]

  1. Khó khăn kinh tế trong khi nhà nước cần ngoại tệ; người ra đi chính thức và bán chính thức phải dùng tiền để mua vé ra nước ngoài
  2. Chính phủ quốc hữu hóa tài sản của tầng lớp tư sản và người Hoa.
  3. Thành phần xã hội chống đối hoặc không tin cậy được sẽ tự rời khỏi Việt Nam như trường hợp Hoa kiều (trong bối cảnh Việt Nam đang có chiến tranh với Trung Quốc). Theo báo cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), vào năm 1978, khoảng 70% trong số các thuyền nhân xuất phát từ Việt Nam là Hoa kiều.[9]
  4. Gây áp lực chính trị với khối ASEAN.
  5. Gây áp lực với Hoa Kỳ để buộc Hoa Kỳ thực thi lời hứa viện trợ tái thiết thời hậu chiến như ghi trong Điều 21 của Hiệp định Paris 1973.
  6. Gia tăng lượng hàng hóa và hiện kim số người Việt ở hải ngoại gửi về cho thân nhân trong nước.
  7. Chấp nhận một việc đã rồi, vì lực lượng hải quân nhỏ bé của Việt Nam không thể kiểm soát được hết 3.200 km duyên hải.

Theo Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) thì trong khoảng thời gian 20 năm từ 1975 đến 1995 có 796.310 người từ Việt Nam vượt biên bằng đường biển.[14] Cũng theo số liệu của tổ chức này, trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849.228 người từ Đông Dương vượt biên bằng đường biển hoặc đường bộ (tính cả người Campuchia)[18] Theo số liệu của Indonesia, trong khoảng thời gian 1975-1996 đã có 250.000 người từ Việt Nam và Campuchia tới tá túc trên đảo Galang. Tuy tới từ Việt Nam, nhưng theo thống kê thì 2/3 số người vượt biên là người gốc Hoa.[12]

Theo quan điểm của chính quyền Việt Nam thì việc vượt biên là do các thế lực đế quốc thù địch với Việt Nam (ngầm chỉ Mỹ và Trung Quốc) muốn phá hoại làm suy yếu đất nước, hòng mở cuộc gây hấn với Việt Nam. Âm mưu này theo Việt Nam cùng khuôn mẫu với cuộc di cư vào Nam năm 1954 do CIA tuyên truyền khiến hơn 800.000 người rời miền Bắc. Hà Nội cũng cho rằng thế lực thù địch với họ cũng lợi dụng tình trạng vượt biên để tìm cách đưa người, tiền bạc và vũ khí về Việt Nam để tài trợ các tổ chức chống lại chính quyền.[19]

Sách "Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua" (xuất bản năm 1979) nói về việc Trung Quốc đã sử dụng tuyên truyền để kích động người Hoa rời bỏ Việt Nam hàng loạt, nhằm làm suy yếu Việt Nam từ bên trong[20]

"...bằng những thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, dọa nạt, Trung Quốc đã gây nên trong quần chúng người Hoa đang làm ăn yên ổn ở Việt Nam một tâm trạng hoang mang, lo sợ chiến tranh sắp nổ ra, một tâm lý nghi ngờ, thậm chí thù ghét người Việt Nam, khiến họ ồ ạt rời khỏi Việt Nam... Chỉ trong mấy tháng đầu, 170.000 người Hoa đã rời Việt Nam. Cái gọi là vấn đề “nạn kiều” chỉ là một sự cưỡng bức người Hoa ở Việt Nam ồ ạt di cư mà thủ phạm chính là giới cầm quyền Bắc Kinh, nhằm gây xáo trộn về chính trị, xã hội, kinh tế ở Việt Nam, đồng thời kích động dư luận Trung Quốc, chuẩn bị sẵn sàng “đạo quân thứ năm” cho việc tiến hành xâm lược Việt Nam trong bước sau...Nhà cầm quyền Trung Quốc giương cao chiêu bài “nhân quyền” của tổng thống Mỹ Carter, lợi dụng vấn đề người Việt Nam đi ra nước ngoài làm một vũ khí mới để chống Việt Nam. Những người Việt Nam đi ra nước ngoài phần lớn là những nhà buôn gốc Hoa giàu có và những sĩ quan trước đây sống nhờ Mỹ và chế độ bù nhìn, những người Hoa do Bắc Kinh dụ dỗ, cưỡng ép ra đi; một số những người trước đây sống trong xã hội tiêu thụ kiểu Mỹ và nay không chịu nổi những khó khăn do cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và sự phá hoại của bọn bành trướng Bắc Kinh gây ra... Từ tháng 1 năm 1979, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố cho phép những người có nguyện vọng ra nước ngoài được xuất cảnh hợp pháp sau khi đã làm đầy đủ các thủ tục cần thiết. Các cơ quan Việt Nam đã cùng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn thỏa thuận một chương trình 7 điểm được công bố ngày 30 tháng 5 năm 1979, nhằm tạo điều kiện cho những người nói trên ra đi một cách có trật tự và an toàn. Song Bắc KinhWashington đều huy động bộ máy tuyên truyền khổng lồ và mọi phương tiện chính trị, kinh tế, tài chính của họ, lợi dụng khía cạnh nhân đạo của vấn đề để bóp mép sự thật, dụ dỗ người Việt tìm cách vượt biên bất hợp pháp rồi bỏ mặc họ trên biển để cáo buộc rằng Việt Nam “xuất cảng nạn dân”, nhằm phát động một chiến dịch quy mô chống Việt Nam.

Nhận định của Hà Nội được các nhà quan sát phương Tây công nhận. Nhà văn đoạt giải Nobel Gabriel Garcia Marquez đã đến thăm Việt Nam vào giữa tháng 7/1979 mô tả[21]:

Trong khoảng thời gian này, chiến dịch truyền thông chống lại Việt Nam đã đạt tới tầm cỡ một scandal thế giới, dựa trên giả thuyết rằng chính phủ Việt Nam đã trục xuất kẻ thù của họ và buộc họ lên những chiếc thuyền đánh cá nguy hiểm. Thực ra, Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về những cuộc ra đi có sắp xếp, nhưng một trong những điều kiện của Liên Hiệp Quốc là yêu cầu visa cư trú ở nước nhập cảnh và đây là một giải pháp quan liêu trong tình thế cấp bách vào lúc đó.Nhiều khó khăn lớn và cấp bách vẫn tồn tại với người Việt Nam, bất chấp mọi nỗ lực, sự kiên nhẫn và hy sinh của họ. Sự thật là đất nước thiếu nguồn lực để có thể giải quyết một thảm họa lớn và nhiều vấn đề như vậy. Chiến dịch Phượng Hoàng của CIA đã sát hại của miền Nam nhiều nhân tài và thay thế bằng một bộ máy tham nhũng của chế độ Sài Gòn. Hơn nữa, tổng thống lúc đó, Gerald Ford, đã không thực hiện lời hứa của nước Mỹ đưa ra trong các thỏa thuận Paris năm 1973 là bồi thường chiến tranh cho Việt Nam hơn 3 tỷ USD trong vòng hơn 5 năm. Chưa kể chính quyền Jimmy Carter cản trở những nỗ lực của Việt Nam nhằm nhận được cứu trợ của quốc tế.Đó là thực tế thường ngày mà Việt Nam phải đối mặt vào tháng 8 năm 1979. Trong khi báo chí phương Tây luôn kêu ca về số phận của những người di tản, tôi thấy rằng nỗi lo lớn nhất của người Việt Nam không phải là các vấn đề về người vượt biên, mà là nguy cơ một cuộc chiến tranh mới với Trung Quốc. Đó là nỗi ám ảnh quốc gia, đến mức thấm nhiễm vào cuộc sống hằng ngày của người dân. Tại sân bay ở Hà Nội, nhiều chuyến bay thường lệ đã bị hoãn lại vài giờ vì bầu trời tràn ngập máy bay MiG diễn tập. Xe đạp và trâu phải nhường đường cho xe tăng. Ở những khu vui chơi vào ngày chủ nhật, giữa đám trẻ con, chim sơn ca và mùi hương hoa, một thế hệ thanh niên đã cảm nhận được tình trạng báo động chiến tranh khẩn cấp.Việt Nam đã hơn một lần là nạn nhân của những mưu đồ quốc tế thâm độc. Chính phủ Việt Nam không trục xuất ai cả, nhưng ở thời điểm đó, người ta đã hiểu khác đi

Brance Grant đã viết:

"Số người bỏ Việt Nam ra đi tăng vọt trong sáu tháng đầu năm 1979. Trong năm 1978-1979, tuyệt đại đa số người vượt biên là người Hoa... “Phong trào rời khỏi Việt Nam" là không thể nào chặn lại được, bởi nó bị thúc đẩy vì tin đồn, sự khiếp sợ và sự tuyên truyền ngày càng hiểm độc về chiến tranh giữa Bắc Kinh với Hà Nội. Một khi đã bắt đầu, phong trào tự nó tiếp tục phát triển nhanh chóng... Khi Trung Hoa công bố ngày 26/5/1978 rằng họ đang đưa tàu biển đến Việt Nam để đón “các Hoa kiều nạn nhân”, thì khoảng 250.000 người Hoa ở Chợ Lớn đã đăng ký xin đi. Nhưng sau đó, Trung Quốc lại không đưa tàu đến nữa (để gây áp lực với Việt Nam)... Đó chẳng phải chuyện đùa, tiếp theo các cuộc tấn công của quân Khmer Đỏ và Trung Quốc, nổi lên tâm lý chống Trung Quốc trên khắp nước. Ra đi bằng con đường chính thức (do chính phủ Việt Nam cấp phép) thì sẽ chậm và kéo dài nhiều tháng, tàu Trung Quốc thì không tới nữa, nỗi sợ cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam làm người Hoa muốn ra đi ngay, và thế là họ sẵn sàng chịu mạo hiểm để tìm cách vượt biên bất hợp pháp... Những người chết khi vượt biên lại được Trung Quốc và Mỹ lấy làm cái cớ để buộc tội chính phủ Việt Nam đã "phạm tội diệt chủng" đối với người Hoa"'[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thuyền nhân Việt Nam http://www.navy.gov.au/HMAS_Gladstone_(I) http://www.migrationheritage.nsw.gov.au/exhibition... http://franklin.dpc.vic.gov.au/domino/Web_Notes/ne... http://digital.library.ryerson.ca/islandora/object... http://paul.blogmilitant.com/index.php?post/2006/1... http://calitoday.com/news/view_article.html?articl... http://www-cgi.cnn.com/ASIANOW/asiaweek/96/0209/fe... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/vi...